Sunday, August 9, 2009

60. BỮA TIỆC TRÀ

Ryo-chan, người phu trường ở Tomoe mà tất cả học sinh đều rất thích, cuối cùng cũng bị gọi nhập ngũ. Chú ấy đã là người lớn, thế mà bọn trẻ vẫn thích gọi chú bằng cái tên trẻ con của chú. Ryo-chan là một thần bảo vệ, luôn có mặt để cứu giúp mọi người khi họ gặp khó khăn. Chú ấy có thể làm đủ loại công việc. Chú rất ít nói, chỉ mỉm cười, nhưng chú luôn biết cần phải làm gì. Khi Totto-chan bị rớt xuống hầm cầu, chính chú ấy là người vớt cô bé lên ngay lập tức, rồi tắm rửa cô bé sạch sẽ mà không nhiều lời cằn nhằn.

“Chúng ta hãy tổ chức một bữa tiệc trà tiễn đưa Ryo-chan.” thầy hiệu trưởng nói.

“Một tiệc trà à?”

Ở Nhật, người ta uống trà xanh nhiều lần trong ngày, nhưng không phải để giải trí - ngoại trừ bột trà pha chế thành một loại nước uống dùng trong các dịp lễ. ‘Tiệc trà’ là một điều mới lạ ở trường Tomoe. Nhưng bọn trẻ thích ý kiến đó. Chúng nó thích làm những điều chúng nó chưa từng biết. Bọn trẻ không biết đó thôi, chứ thầy hiệu trưởng chỉ chế ra một từ mới, sawakai (tiệc trà) thay vì thông thường người ta nói sobetsukai (tiệc chia tay) cho cùng một mục đích. Một bữa tiệc chia tay nghe sao buồn quá, và học sinh lớp lớn sẽ hiểu được rằng có thể là chia tay thật nếu chú Ryo-chan hy sinh ngoài chiến trường và không trở về nữa. Thế nhưng chưa có đứa nào đã từng tham dự một tiệc trà, nên chúng rất phấn khởi.

Sau khi tan học, thầy Kobayashi cho học sinh sắp xếp bàn ghế thành vòng tròn như chuẩn bị cho bữa cơm trưa vậy. Khi tất cả đều ngồi vào thành vòng tròn, thầy phát cho mỗi đứa một miếng mực khô nướng để ăn trong lúc uống trà. Chừng ấy thôi cũng đã là quá sang trọng trong những ngày chiến tranh như thế này. Thầy ngồi xuống bên cạnh Ryo-chan, đặt cái ly có một ít rượu sa kê trước mặt chú ấy. Đó là phần chỉ dành riêng cho những người sắp ra chiến trận.

“Đây là tiệc trà đầu tiên ở trường Tomoe,” thầy hiệu trưởng nói. “Tất cả chúng ta hãy cùng vui với nhau. Em nào có điều gì muốn nói với chú Ryo-chan thì cứ nói. Các em cũng có thể trò chuyện thoải mái với nhau, chứ không nhất thiết chỉ nói với chú Ryo-chan thôi. Lần lượt từng em một, hãy bước ra giữa vòng tròn nhé.”

Đây không phải là lần đầu tiên chúng nó ăn mực khô nướng ở trường Tomoe, nhưng đây là lần đầu tiên cùng ngồi ăn với bọn trẻ có chú Ryo-chan và lần đầu tiên chúng nó thấy chú Ryo-chan nhấp nháp rượu sa kê.

Bọn trẻ lần lượt từng đứa một đứng dậy, đến đối diện chú Ryo-chan và nói vài điều với chú ấy. Mấy đứa trẻ đầu tiên chúc chú ấy giữ gìn sức khỏe và đừng có đau ốm gì. Rồi đến lượt Migita, bạn học cùng lớp với Totto-chan, nói: “Lần sau cháu về nhà ở quê, cháu sẽ mang về cho chú mấy cái bánh bao đám tang.”

Bọn trẻ cười rộ lên. Hơn một năm rồi kể từ khi Migita nói với chúng nó lần đầu tiên về mấy cái bánh bao cậu đã ăn ở một đám tang và nó ngon như thế nào. Mỗi khi có dịp, cậu bé cứ hứa là sẽ cho chúng nó mấy cái, nhưng cậu bé không bao giờ thực hiện lời hứa này.

Khi thầy hiệu trưởng nghe Migita nói đến bánh bao đám tang, thầy giật nảy mình. Thông thường, đề cập đến bánh bao đám tang trong những tình huống như thế này là một điềm báo xấu. Nhưng Migita nói điều này một cách hồn nhiên thôi, khi muốn chia sẻ với bạn bè một cái gì đó ngon, nên thầy cũng cười với bọn trẻ. Ryo-chan cũng cười vui vẻ. Thì ra, Migita nói với chú ấy từ rất lâu rồi là sẽ đem cho chú ấy mấy cái bánh bao đám tang.

Rồi Oe đứng lên và hứa với chú Ryo-chan rằng cậu bé sẽ trở thành người làm vườn giỏi nhất ở Nhật. Oe là con trai ông chủ một vườn ươm rộng lớn ở Todoroki. Aoki đứng dậy và không nói gì cả. Cô bé chỉ khúc khích cười e thẹn như thường lệ, rồi cúi đầu chào và về lại chỗ ngồi. Totto-chan vội vàng chạy ra và nói hộ cho Aoki: “Những con gà ở nhà Keiko-chan có thể bay! Một hôm nọ, cháu thấy chúng bay!”

Rồi đến lượt Amedera nói: “Nếu các bạn thấy có chó hay mèo bị thương, hãy đưa chúng đến mình, mình sẽ chữa cho chúng khỏi.” Takahashi-chan quá nhỏ. Cậu bé bò dưới bàn để đến giữa vòng tròn, thoắt nhanh như chớp. Takahashi nói với một giọng vui vẻ: “Cám ơn chú Ryo-chan. Cám ơn tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ.”

Tiếp đó Aiko Saisho đứng lên. Cô bé nói: “Chú Ryo-chan, cám ơn chú đã có lần băng bó cháu khi cháu bị té ngã. Cháu sẽ không bao giờ quên.” Người chú vĩ đại của Saisho-chan là đô đốc Togo nổi tiếng trong thời chiến tranh Nhật-Nga, và Atsuko Saisho, một người bà con khác của cô bé là nhà thơ nữ lừng danh dưới triều vua Meiji. Nhưng Aiko không bao giờ đề cập đến những người này.

Miyo-chan, con thầy hiệu trưởng, hiểu Ryo-chan nhiều nhất. Mắt cô bé đẫm lệ, cô bé nói: “Hãy bảo trọng nhé, nhớ nha chú. Nhớ giữ liên lạc, viết thư về nha.”

Totto-chan có rất nhiều điều muốn nói nhưng cô bé không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Do đó, cô bé nói: “Chú Ryo-chan, ngay cả khi chú đi rồi, chúng cháu sẽ có tiệc trà mỗi ngày.”

Thầy hiệu trưởng cười vang, Ryo-chan cũng cười. Cả hết bọn trẻ đều cười, Totto-chan cũng cười theo.

Thế nhưng lời nói của Totto-chan trở thành sự thật ngay từ ngày hôm sau. Mỗi khi chúng có thời gian rảnh, bọn trẻ lập thành từng nhóm và chơi trò ‘tiệc trà.’ Thay vì ăn mực khô, chúng nó mút một thứ gì cũng được, như vỏ cây chẳng hạn. Chúng nó nhấp nháp những ly nước thay vì trà và đôi khi giả bộ xem đó là rượu sa kê. Một đứa nào đó nói: “Mình sẽ mang cho cậu mấy cái bánh bao đám tang nhé,” và cả bọn rộ lên cười. Sau đó, chúng nó nói chuyện và kể cho nhau nghe những suy nghĩ của mình. Ngay cả khi chúng không có gì để ăn, những ‘tiệc trà’ của bọn trẻ vẫn vui như thường.

‘Tiệc trà’ như là một món quà liên hoan tuyệt vời để chú Ryo-chan chia tay bọn trẻ. Và mặc dù lúc ấy, chẳng có đứa nào biết mô tê gì cả, tiệc trà thật ra là một trò chơi cuối cùng của bọn trẻ ở trường Tomoe trước khi chúng nó chia tay nhau và rồi mỗi đứa đi mỗi ngả.

Ryo-chan ra đi trên chuyến tàu Toyoko. Sự ra đi của chú ấy trùng với sự ập đến của những chiếc máy bay Mỹ. Cuối cùng, chúng xuất hiện trên bầu trời nước Nhật ở Tokyo và dội bom hàng ngày.