Monday, June 15, 2009

14. HÃY ĐẶT NÓ TRỞ LẠI

Trong cuộc đời mình, Totto-chan chưa bao giờ phải vất vả đến như thế. Cái ngày cô bé đánh rơi chiếc ví mình yêu thích xuống hầm nhà vệ sinh mới thê thảm làm sao. Không có tiền trong ví, nhưng vì Totto-chan thích chiếc ví này quá, thế là cô bé đem nó theo khi vào nhà vệ sinh. Đó là chiếc ví vải lụa bóng có ca rô màu đỏ, vàng và xanh rất đẹp. Chiếc ví này có hình vuông và phẳng, thêu con chó xù Scốtlen giống như một cây trâm ở trên cái nắp ví hình tứ giác để cài ví lại.

Cho đến bây giờ, Totto-chan vẫn có thói quen tò mò. Ngay cả khi còn nhỏ cũng vậy. Mỗi khi đi vệ sinh, cô bé cố cúi nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi xong. Hậu quả là, ngay cả trước khi bắt đầu tuổi đi học, cô bé đã làm mất nhiều chiếc mũ, có cả chiếc mũ rơm và chiếc mũ có viền đăng ten trắng. Vào thời ấy, nhà vệ sinh không có hệ thống dội nước mà chỉ có hầm chứa ở dưới mặt đất, do đó một khi mũ bị rớt xuống là nổi lềnh bềnh trên mặt hầm. Mẹ thường bảo Totto-chan đừng nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi vệ sinh xong.

Hôm đó, khi Totto-chan đi vào nhà vệ sinh trước khi lớp học bắt đầu, cô bé quên bẵng đi lời mẹ dặn. Totto-chan cúi đầu nhìn xuống hầm cầu khi đi vệ sinh xong. Có lẽ lúc đó cô bé không nắm chặt chiếc ví trong tay, thế là nó tuột ra khỏi tay và rơi xuống hầm cầu làm nước bắn tóe lên. Totto-chan bật khóc vì không hy vọng gì khi nhìn dưới hầm chỉ thấy tối ngòm.

Totto-chan nén khóc, nhưng không chịu mất chiếc ví. Cô bé vào nhà kho lấy ra một cái gáo lớn có cán gỗ dài dùng để tưới vườn. Cái cán gáo dài gấp đôi chiều cao của Totto-chan, nhưng điều này không làm cô bé nản lòng chút nào. Cô bé vác cái gáo đi quanh ra sau trường, cố gắng tìm chỗ đầu nối mà hầm cầu dẫn chất thải ra để phân hủy. Cô bé nghĩ nó ở bên ngoài bờ tường nhà vệ sinh. Thế nhưng sau khi tìm kiếm một hồi không có kết quả, cuối cùng Totto-chan thấy một cái nắp đậy miệng cống bằng bê tông hình tròn cách đó khoảng một thước Anh. Giở cho được cái nắp này lên là cả một vấn đề khó khăn. Khi giở lên được rồi, cô bé phát hiện đây chính là đầu nối mà cô bé muốn tìm. Cô bé trườn đầu vào bên trong.

“Sao thế này? Nó lớn như cái hồ ở Kuhonbutsu thế nhỉ!” cô bé la lên.

Thế là Totto-chan bắt đầu lấy gáo múc những gì chứa trong hầm phân lên. Lúc đầu, Totto-chan thử khoanh vùng nơi cô bé đánh rơi chiếc ví. Thế nhưng cái bồn chứa này sâu, tối và lại rộng quá, vì cả ba nhà vệ sinh đều chảy về đây. Vả lại, nếu thò đầu vào sâu quá sẽ dễ bị lộn nhào xuống hầm thì nguy hiểm. Do đó, cô bé quyết định cứ tiếp tục dùng gáo múc đổ lên trên mặt đất gần miệng hầm, hy vọng may ra sẽ tìm được chiếc ví.

Cô bé quan sát kỹ trong mỗi lần múc lên, xem thử có chiếc ví trong đó không. Totto-chan không nghĩ mình phải mất nhiều thời gian đến thế để tìm lại chiếc ví, nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Nó ở đâu nhỉ? Chuông vào lớp đã vang lên rồi.

Totto-chan phân vân chưa biết nên tính thế nào. Cô bé đã đi quá xa rồi, thôi thì cứ tiếp tục vậy. Cô bé lại múc càng hăng say hơn.

Khi cô bé múc đổ được cả một đống lớn ở trên mặt đất, bất chợt thầy hiệu trưởng đi ngang qua.

“Em đang làm gì vậy?” thầy hiệu trưởng hỏi.

“Em làm rơi chiếc ví,” cô bé trả lời rồi tiếp tục múc, không muốn bỏ phí một giây lát nào.

“À, thầy biết rồi,” thầy hiệu trưởng nói rồi đi thẳng, hai tay đan vào nhau ở phía sau lưng và đó là thói quen của thầy mỗi khi đi dạo.

Thời gian cứ trôi đi mà cô bé vẫn không tìm thấy chiếc ví đâu cả. Cái đống phân bốc mùi hôi thối càng lúc càng cao.

Thầy hiệu trưởng quay trở lại, và hỏi:“Em có tìm được chưa?”

“Dạ chưa,” Totto-chan đang đứng giữa đống phân, mồ hôi nhễ nhại, đôi má đỏ ửng, trả lời.

Thầy hiệu trưởng bước lại gần hơn và bằng một giọng thân thiện, Thầy nói “Rồi em sẽ đổ đống này xuống lại khi em làm xong chứ?” rồi ông lại đi tiếp trong dáng điệu như hồi nãy.

“Dạ,” Totto-chan vui vẻ trả lời, rồi tiếp tục công việc của mình. Thế rồi một ý niệm vừa khởi lên trong đầu cô bé. Totto-chan nhìn vào đống phân và nghĩ “khi mình làm xong rồi, phần đặc này mình đổ xuống lại, thế thì còn phần nước thì sao?”

Phần chất lỏng thấm nhanh vào đất. Totto-chan dừng tay và cố hình dung ra, làm thế nào để cô bé trả lại phần này xuống dưới hầm đây, vì cô bé đã hứa với thầy hiệu trưởng là phải đổ chúng lại trong hầm mà. Cuối cùng cô bé quyết định là sẽ hốt luôn phần đất ướt này bỏ xuống hầm vậy.

Đống phân múc lên chất cao như núi và bây giờ cái hầm gần như khô cạn mà vẫn không thấy tăm hơi chiếc ví đâu cả. Có thể nó vướng vào ở một nơi nào đó bên thành hầm cầu hay nó nằm tận dưới đáy gì đó. Nhưng Totto-chan không quan tâm. Cô bé bằng lòng với những gì mình làm được. Sự bằng lòng của Totto-chan rõ ràng xuất phát từ lòng tự trọng cô bé cảm nhận được khi thầy hiệu trưởng đã không la rầy Totto-chan mà còn đặt niềm tin tưởng ở cô bé nữa. Điều này quá phức tạp và khi ấy, Totto-chan không thể hiểu được như thế.

Hầu hết người lớn, khi thấy cảnh Totto-chan làm như vậy, sẽ phản ứng bằng cách la lên: “Trời ơi, em làm gì chẳng giống ai hết vậy?” hay là: “Nguy hiểm lắm, đừng có làm vậy,” hay khác hơn một tí là giúp cô bé một tay.

Tưởng tượng xem, thầy hiệu trưởng chỉ nói: “Rồi em sẽ đổ đống này trở lại khi em làm xong chứ?” Một thầy hiệu trưởng tuyệt vời. Mẹ nghĩ như vậy khi nghe Totto-chan kể lại câu chuyện trên.

Sau chuyện này, Totto-chan không bao giờ cúi nhìn vào hầm cầu sau mỗi lần đi vệ sinh nữa. Cũng kể từ đó, cô bé cảm thấy thầy hiệu trưởng là người mình đặt niềm tin tuyệt đối và cô bé kính thương thầy hơn bao giờ hết.

Totto-chan giữ lời hứa và đổ tất cả những gì cô bé đã vớt lên xuống lại hầm cầu. Thật là một việc khủng khiếp khi vớt cả ngần ấy lên trên đất, nhưng dù sao, đổ xuống lại vẫn nhanh hơn. Cô bé cũng bỏ luôn xuống hầm phần đất ướt nữa. Sau khi khỏa đất cho bằng phẳng, đậy nắm hầm lại đàng hoàng, Totto-chan đem gáo về cất lại trong nhà kho.

Đêm hôm đó, trước khi ngủ, Totto-chan nghĩ nhớ đến chiếc ví xinh đẹp đã đánh rơi vào nơi tối tăm. Cô bé buồn vì mất chiếc ví nhưng suốt cả ngày nỗ lực khiến cô bé mệt nhoài và trong chốc lát, Totto chan đã đi vào giấc ngủ.

Trong khi đó, nơi cô bé đã nhọc công tìm kiếm, ánh trăng lung linh mờ ảo rọi trên nền đất ướt như một cái gì trông thật đẹp.

Và chiếc ví vẫn yên lặng nằm im lìm ở một nơi nào đó.